top of page
Search

"Hạnh phúc chỉ đơn giản, là còn được về nhà"

  • minhtrang8692
  • Feb 10, 2021
  • 7 min read

1.


“Có hai thứ trên đời không được bỏ lỡ, chuyến tàu cuối về nhà và người thật lòng yêu thương ta”, câu đấy trên mạng một thời nổi như cồn, tôi vẫn bĩu môi chê nẫu ruột. Mãi đến bây giờ, thế nào nó lại vận vào cái thân tôi. Vế thứ hai thì khoan bàn vì đó là 1 câu chuyện dài, và buồn, mà tóm ngắn lại thì là chả có ma nào thương cả, không thì đời nào tôi bỏ lỡ.. Còn vế thứ nhất thì đúng, thực sự là tôi đã lỡ mất chuyến tàu cuối để về nhà. Chuyến bay về Việt Nam mà tôi dự định vào tháng 1 đã mãi mãi không cất cánh, và niềm hi vọng được trở về trong tôi cũng không cánh mà bay, ít nhất là Tết này.

Hôm nay, là 30 Tết rồi.

Tôi xa nhà, đã được 1 năm 4 tháng 23 ngày.

Lẽ ra lúc này tôi đã về nước, kết thúc thời gian cách ly, và chuẩn bị cùng cả gia đình đón Tết.

Nhưng giờ thì tôi đang ngồi viết những dòng này, tại London, trước lần đón tết thứ 2 cách gia đình hơn 9 ngàn cây số.

Ga King's Cross St. Pancras, London giáp Tết | Video: Phương Ngân


Cũng có khi Nhà kiêu kì đến thế, đi thật xa rồi lại chẳng thể trở về..

Năm thứ nhất của đời du học sinh, lần đầu tiên ăn tết xa nhà, trong lòng tôi là chút gì đó háo hức cho những trải nghiệm mới mẻ, vì đã hai mấy mùa bánh chưng chưa bao giờ đón Tết ở đâu khác, nên tôi nào có thấy nhớ nhà. Nếu đã ăn cơm cả một phần ba cuộc đời, thì một bát phở nóng hổi còn phả khói chẳng phải là thứ cao lương kì thú hay sao. Viết đến đây, tôi bèn có chút cảm thông sâu sắc cho những ông chồng có hội chứng thèm phở nhiều năm. Chắc các anh cũng nghĩ như tôi: gạo đầy trong kho, cơm muốn ăn bao giờ chẳng có. Nhà vẫn ở đó, cứ đi chán rồi thích thì về.

Ấy thế mà, cũng có khi Nhà kiêu kì đến thế, đi thật xa rồi lại chẳng thể trở về..


2.


Tôi từng ước mơ được trở thành 1 MC, tôi luôn sợ mình không làm được, và tôi đã trở thành 1 MC truyền hình với thâm niên những 7 năm làm nghề.

Tôi từng ước mơ giành được học bổng đi du học, tôi luôn sợ mình không làm được, và tôi cũng đã có được học bổng toàn phần chính phủ mà tôi hằng ước ao.

Tôi chưa từng ước mơ được về nhà. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ KHÔNG THỂ VỀ NHÀ. Và tôi đã biết thế nào, là không thể về nhà.

Chỉ 12 tiếng bay, với những khung giờ bay đầy ắp và đủ các mức giá vé tuỳ nhu cầu, mọi thứ từng là như thế. Điều đó bào chữa phần nào cho suy nghĩ trong tôi rằng, nhà lúc nào về chẳng được. Bao năm nay tôi luôn nghĩ như vậy, và cố đi thật xa, rồi xa hơn nữa, nhìn thật rộng, rộng thêm chút nữa, ước mơ thật lớn, và lớn hơn nữa, mà chẳng một lần màng ngoái đầu về phía sau.

Cuộc sống con người theo lý thuyết gen vị kỷ được tiến sỹ Yuval Noah Harrari diễn giải thật thẳng thắn trong cuốn Sapiens như thế này, ADN đã thao túng con người để chọn lọc những đặc tính tốt nhất cho sự tiến hoá chung của loài, kể cả khi nó có hại cho từng cá nhân. Nói đơn giản hơn, hầu hết con người chúng ta đều dành cả cuộc đời như một con thiêu thân, để lao vào những công việc cực nhọc, những trăn trở, suy tính và cạnh tranh để được là số 1, thay vì bằng lòng hạnh phúc với những điều giản đơn. ADN đã lập trình chúng ta như thế, vì thế thì mới tốt cho sự phát triển của loài người, dù nó làm mỗi người trong chúng ta mệt mỏi và kiệt sức đến đâu.

Mấy người trẻ như tôi chắc là những con thiêu thân ngốc nghếch ngu muội nhất. Mỗi ngày trong hiện tại của tôi, đều được nuôi sống bằng những khát vọng của tương lai. Tôi đã học hành miệt mài để có được 1 bảng điểm tốt. Những tháng ngày triền miên bên bàn phím laptop, những công việc còn dang dở, và những cuộc gọi nhỡ từ mẹ mà nhiều lần tôi thờ ơ cho rằng không gọi lại cũng chẳng sao. Ưu tiên hàng đầu trong những gạch đầu dòng của to-do-list những năm tuổi 20 là những deadline cần phải hoàn thành của ngày mai, tuần này, rồi lại tháng kế, mà cái nào sếp cũng cho là tối quan trọng, là những cơ hội mới mà tuổi trẻ phải nắm bắt: những học bổng toàn phần đầy hấp dẫn, mà bạn sẽ đánh đổi cho nó những ngày dài ôn luyện, những đêm trắng viết luận, hay những tháng dài chờ đợi qua được vòng hồ sơ, rồi phỏng vấn. To-do-list đã dài lắm rồi, lấy đâu ra quỹ thời gian cho chăm sóc bản thân, cho “thể dục đều đặn”, cho “ăn uống điều độ”, hay cho “về nhà sớm với mẹ chiều nay”?

Quả bong bóng mang tên ước mơ, tiếc thay, chưa từng có khuynh hướng dừng phồng to lên, và to lên nữa. Tôi thì luôn có một niềm tin tuyệt đối rằng, mình đang lớn lên, tài giỏi hơn và dần có được mọi thứ mình muốn trong tay. Còn nhà vẫn ở đó, vẫn là của tôi. Bố mẹ vẫn ở đó, vẫn là của tôi. Chẳng có điều gì mất đi cả!

Khoan, liệu có đúng không nhỉ?

.

.

.

Những năm tháng này đã khiến cho mọi thứ không còn đúng với chính định nghĩa từng là của nó.

Những năm tháng này đã khiến cho mọi thứ không còn đúng với chính định nghĩa từng là của nó. Những thứ tưởng chừng giản đơn nhất, lại trở nên khó nắm bắt nhất. Chúng ta mất đi những quyền cơ bản nhất, như quyền được hít thở tự do một bầu không khí khoẻ mạnh, quyền được nắm lấy tay và ôm thật chặt những người mình yêu thương, hay quyền trở về nhà. Tất cả những quyền đó, hoá ra lại chỉ nằm trong trí tưởng tượng của con người. Mấy con vi rút bé nhỏ đến tưởng như vô hình đã dạy cho chúng ta bài học rằng, những điều đó vốn không phải là dĩ nhiên, nó có thể bị tước đi khỏi chúng ta vào một buổi sáng bất kì khi bạn tỉnh giấc.


3.


1 năm qua, đặt chân tới không biết bao nhiêu vùng đất mới, những làng cổ đẹp nhất nước Anh, những công trình kiến trúc tráng lệ nhất Châu Âu, và cả những kì quan thiên nhiên hùng vĩ của thế giới, nhưng giờ phút này, nơi tôi nhớ nhất lại là con ngõ Thành Công.

Tôi nhớ quán phở bé tí chỉ đủ chỗ cho 5 người ngồi thành 1 hàng, chạm cả vai vào nhau, nhớ mùi ẩm của rêu bám đầy cả mảng tường gạch cạnh đó, nhớ tiếng bà chủ quán phở hô “3 chín 1 tái” vọng khắp ngõ mỗi buổi sáng họp chợ, nhớ ánh đèn mù mờ của ngọn đèn đường duy nhất chả biết từ lúc nào chưa thay bóng mới, nhớ cả những ban công đua ra lô xô phơi lủng lẳng những áo quần và xu chiêng, trong đấy có 1 cái ban công lồng sắt màu xanh treo lủng lẳng trên tầng 5, là của riêng tôi thôi.


Tập thể H7 & H1 Thành Công | Ảnh: Bảo Ngọc


Quá khứ thì luôn chỉ có một đường thẳng duy nhất, vì nó đã được định đoạt. Nhưng tương lai thì lại có cả ngàn ngã rẽ. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng, một ngày mình sẽ đứng ở giữa đại lộ của những ước mơ, mà ngoái đầu nhìn về con ngõ nhỏ của ngày bé.


Bố mẹ sẽ chờ, không phải chờ những đồng tiền tôi gửi về, không phải chờ những chức danh hay thành quả của tôi để mà khoe khoang, mà đôi khi chỉ là chờ chính tôi, bé nhỏ trở về với chính hình hài mà họ đã cho tôi, chỉ thế thôi. Nhưng họ cũng chẳng đủ sức mà đợi mãi.

Tôi đã có những ước mơ xa xôi, có nhiều thành công, cũng có nhiều khi thất bại thảm hại. Những lúc ủ dột nhất, tôi lại nhận ra, hoá ra chả có ai ở ngoài kia mãi dõi theo, để an ủi, hoặc lo lắng tôi sẽ buồn bã, không chịu ăn uống rồi tụt cân gầy gò. Mấy điều vụn vặt đó, chỉ có trong câu cằn nhằn của mẹ, hoặc cuộc điện thoại không mấy khi dài quá 5 phút của bố.

Những đồng tiền kiếm được, một chức danh hay vài thành tích, hình như không phải thứ mà họ đợi chờ.

Tự nhiên tôi nghĩ, nếu mình lơ là thêm chút nữa, chả biết bố mẹ có còn đủ sức mà đợi mãi không nhỉ?

Mấy tuần nay, mẹ ở nhà mấy bệnh chen nhau đến cùng lúc, cánh tay nay nhấc lên cũng ê ẩm ấy, trong trí nhớ của tôi, mới đây thôi còn phăm phăm xách túi lớn túi bé từ chợ Thành Công về nhà mỗi sáng. Bố cũng than mùa đông năm nay nằm đắp hai chăn vẫn còn lạnh, chẳng còn phơi phới như thời còn công kênh con trên vai chạy khắp nhà.

Cũng hơn 60 mùa xuân rồi còn gì, tôi suýt nữa thì quên mất..


4.


Chúng ta vẫn luôn nghĩ là mình còn đủ nhiều thời gian, để lãng phí nó.

Nếu không biết bài thi có thời lượng 90 phút, có khi tôi thừa sức nộp 1 bài làm tốt ở phút thứ 60.

Nếu không tự tin nghĩ mình có thể sống đến năm 90 tuổi, có khi bạn đã chẳng dồn mọi sức lực mà làm việc điên cuồng đến tuổi 60 hòng mong có những ngày cuối đời êm ấm.

Nếu không biết 1 năm có 12 tháng, liệu chúng ta có đợi hết 11 tháng bận rộn quay cuồng rồi mới nghĩ đến chuyện trở về nhà?

“Nếu” vẫn luôn là từ chỉ được dùng cho sự tiếc nuối với những điều không thể thay đổi.

Nhưng nếu không lỡ mất chuyến tàu cuối năm, tôi cũng sẽ chẳng có được sự tiếc nuối trị giá 8271 kí tự mà bạn vừa bỏ công đọc hết này.

Dĩ nhiên, tôi chẳng mong rằng có ai ngoài kia sẽ cần phải bỏ lỡ đi bất cứ điều gì mới có thể nhận ra giá trị của gia đình, chỉ ước sao mọi đứa con đã kịp về với bố mẹ, Tết này.


London 30 Tết.

Trang.



 
 
 

Commentaires


©2020 by Nina Trang Nguyen

bottom of page